top of page

Có nên quấn trẻ theo quan điểm montessori?



Việc thực hành quấn trẻ sơ sinh chặt trong khăn, hạn chế việc di chuyển các chi là một cách làm khá cổ, và nó vẫn còn rất thịnh hành ở trong các bệnh viện ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Cách quấn trẻ thường gặp là quấn toàn thân hay chỉ quấn phần dưới cơ thể. Mục đích của việc cuốn trẻ sơ sinh được cho là để trẻ cảm thấy an tâm, do đó dễ ngủ hay ít bị giật mình khi ngủ. Một lí do khác, cùng với việc đeo bao tay là để tránh trẻ trong vô thức cào lên mặt.

Tuy nhiên, quấn trẻ, ngoài việc gây ra một số các vấn đề về mặt thể chất thì dường như nó còn đi ngược lại với việc chăm sóc trẻ về mặt cảm xúc. Có nhiều lí do mà ta không nên thực hành quấn trẻ.


1. Trẻ khóc vì một lý do nào đó và nhiệm vụ của chúng ta là nhanh chóng tìm ra câu trả lời. Trẻ đói cần được cho uống sữa, thay bỉm, cần được đung đưa, vỗ về, quan tâm… Dù lí do gì, thì mong muốn của chúng ta cũng là đáp ứng được nhu cầu của trẻ nhanh nhất. Quấn trẻ có thể làm giảm những lần khóc, đồng nghĩa với việc có thể có một số nhu cầu của trẻ không được thể hiện ra. Trẻ theo đó sẽ cảm thấy bị stress, bỏ rơi hơn là cảm thấy an tâm, dễ chịu.


2. Quấn trẻ dẫn đến việc trẻ ngủ nhiều hơn và sâu hơn – đây chắc hẳn là một trong những nguyên nhân chính khiến chúng ta làm điều này. Theo đó, tần suất cho bú có thể sẽ bị giảm đi, trẻ chậm tăng cân và có nguy cơ bị mất nước.


3. Quấn trẻ trông có vẻ rất ấm áp, lại dễ thương nữa. Nhưng có một thực tế rằng trẻ có nguy cơ bị quá nóng – không chỉ bởi vì chiếc khăn cuốn giữ nhiệt mà còn bởi chúng không thể cử động cánh tay và chân để điều hòa nhiệt độ cơ thể.


4. Trẻ cần được tiếp da với bố mẹ không chỉ là ngay khi trẻ trào đời mà còn trong những tháng đầu tiên trẻ làm quen với cuộc sống mới bởi việc tiếp da giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể, ổn định nhịp thở, nhịp tim và lượng hóc môn tiết ra. Do vậy, tiếp xúc da giúp trẻ giảm stress. Tuy nhiên, việc này sẽ khó có thể thực hiện được bởi lớp khăn quấn ngăn cách.


5. Việc thực hành quấn trẻ được cho rằng là có tác dụng xoa dịu trẻ vì sẽ gợi nhớ cho trẻ về môi trường ấm áp trong bụng mẹ. Nhưng chúng ta nhớ rằng bào thai được tự do di chuyển chân tay trong môi trường nước ối, còn trẻ bị quấn không thể. Có rất nhiều hình ảnh về trẻ trước khi sinh vẫy tay chân, cho tay vào miệng mút….Đây là một phần của quá trình phát triển. Các cử động giúp trẻ luyện tập tăng cường các cơ, phát triển hệ thần kinh. Các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng việc di chuyển giúp phát triển chức năng nhận thức ở mọi lứa tuổi. Và đặc biệt, trẻ sơ sinh đang ở giai đoạn phát triển nhận thức nhanh nhất. Khi bị quấn, trẻ không thể khám phá cơ thể mình và do đó biết cách vận hành nó.


6. Một số cha mẹ tin rằng là quấn trẻ sẽ giảm tỉ lệ đột tử ở trẻ sơ sinh - SIDS do trẻ không thể lật người nằm trên bụng, đồng thời trẻ không cử động được tay sẽ không vô tình phủ chăn kín mặt gây ra ngạt thở. Tuy nhiên, trẻ bị quấn vẫn có thể lật người và bị kẹt trong tư thế sấp mặt xuống đệm. Bị nóng cũng được cho là liên quan tới Hội chứng đội tử ở trẻ sơ sinh - SIDS.


7. Quấn trẻ có thể liên quan tới trật khớp háng ở trẻ sơ sinh, tiếp đó dẫn đến các vấn đề về khớp sau này. Theo Viện nghiên cứu International Hip Dysplasia Institute, “ Việc thắt chặt bất chợt chân khi đang ở tư thế đứng có thể làm giãn khớp và hư tổn đến sụn mềm ở các điểm nối”


8. Nguy cơ về nhiễm khuẩn đường hô hấp có thể gia tăng khi trẻ khó có thể thở sâu do bị quấn chặt. Trong một nghiên cứu của The American Journal of Public Health, nguy cơ gặp phải các nhiễm khuẩn đường hô hấp tăng gấp 4 lần ở trẻ bị quấn.


Trong Montessori, trẻ được khuyến khích di chuyển ngay từ khi mới sinh bởi việc được tự do di chuyển có lợi cho sự phát triển của trẻ về mọi mặt. Khi sinh ra, trẻ được đặt nằm trong chiếc Cestina – chiếc nôi giúp tái hiện lại một phần môi trường trong bụng mẹ để trẻ cảm thấy yên tâm nhưng chân tay trẻ thì hoàn toàn được tự do. Khi trẻ lớn hơn, một chiếc đệm dưới sàn được đặt trong phòng ngủ để trẻ có thể tự ra khỏi giường khi trẻ thức dậy. Trong lớp học Montessori, một trong những điều đặc biệt khiến Montessori khác với các phương pháp khác đó là trẻ được di chuyển tự do trong lớp học để lựa chọn giáo cụ mà mình yêu thích. Khi di chuyển, trẻ đồng thời tư duy.


Vậy, khi biết được tầm quan trọng của vận động đối với trẻ, bố mẹ theo đó sẽ có những quyết định đúng đắn nhất trong việc hỗ trợ trẻ phát triển tối đa các tiềm năng của mình. Để theo dõi các giai đoạn phát triển vận động của trẻ 0 -3 tuổi, xin mời các bạn tham khảo thêm tại link dưới đây.



⭐Việt hóa bởi Việt Trà, giáo viên Montessori tại Pháp, sáng lập Em bé Montessori


REF:

Wendy Priesnitz, Eight Reasons Not To Swaddle Your Infant

Comments

Couldn’t Load Comments
It looks like there was a technical problem. Try reconnecting or refreshing the page.
Đăng ký để nhận thẻ lộ trình sinh hoạt hàng ngày
bottom of page