top of page

NHỮNG ĐIỀU CHA MẸ TUYỆT ĐỐI NÊN TRÁNH ĐỂ KHÔNG LÀM TỔN HẠI NHƯ SỰ TỰ TIN, LÒNG TỰ TRỌNG Ở TRẺ NHỎ.




Sự tự tin, lòng tự trọng có lẽ là những phẩm chất mà bất kỳ phụ huynh nào cũng muốn con mình sở hữu. Đó đơn giản là việc hiểu được giá trị của bản thân, cảm nhận bản thân có năng lực và có ích. Niềm tin vào bản thân, lòng tự trọng đúng nghĩa sẽ không bị những tác động của ngoại cảnh làm lung lay hay xoay chuyển dễ dàng.

Một phần quan trọng của việc trân trọng bản thân và sự tự tin đó là khả năng phục hồi mạnh mẽ khi trải qua thất bại hay hững biến cố của cuộc đời. Niềm tin vào bản thân sẽ giúp ta đứng lên và làm lại dễ dàng hơn sau khi vấp ngã. Điều này rất đúng với cả người lớn và trẻ con.

Những đứa trẻ thiếu tự tin sẽ rụt rè và e ngại khám phá môi trường. Điều này ngược lại hạn chế trẻ trong việc phát triển những tiềm năng vốn có về thể chất cũng như trí tuệ. Không có tương tác, không có hoạt động, kỹ năng không được phát triển là điều tất yếu. Bởi vậy niềm tin với môi trường, niềm tin với bản thân là một tài sản quý giá giúp trẻ phát triển lành mạnh và trở thành những người lớn thành công.

Vậy làm sao để nuôi dưỡng sự tự tin, lòng tự trọng ở trẻ nhỏ? Trước khi tìm hiểu về những điều nên làm, ta sẽ đi phân tích những điều phổ biến diễn ra hàng ngày. Chúng không những giúp nuôi dưỡng, xây dựng SỰ TỰ TIN ở trẻ mà còn góp phần khiến trẻ vô cùng TỰ TI, thiếu niềm tin vào bản thân.


1. BỐ MẸ SỢ MẮC SAI LẦM, TRẺ ÍT CƠ HỘI ĐƯỢC TRẢI NGHIỆM. Việc mắc sai lầm và học từ sai lầm là một phần của cuộc sống. Làm nhiều sẽ sai nhiều. Tuy nhiên, khi gặp sai lầm, chúng ta bị cuốn vào những cảm xúc tiêu cực và gắn ngay mác “thất bại” cho những sai lầm gặp phải. Và vô hình chung, những hành động, lời nói quan điểm của chúng ta sẽ được ‘hấp thụ” bởi những đứa trẻ. Sợ sai lầm, do vậy bố mẹ sẽ làm thay trẻ để tránh mất thời gian, để tránh gây đổ vỡ, để đảm bảo rằng mọi thứ sẽ được làm theo cách hoàn hảo nhất. Đứa trẻ không được cho cơ hội thử và sai, hoặc sai rồi bị trách mắng sẽ rất ngại thử thách bản thân với một điều gì mới.

2. BẢO VỆ, CHE CHỞ CON MỘT CÁCH THÁI QUÁ. Trong chung cư nhà mình, tôi đã từng chứng kiến một bà mẹ luôn mang khăn ướt và nước khi cho con ra ngoài chơi. Bất kỳ khi nào con chạm vào vật gì bà mẹ ấy ngay lập tức lao đến và lau, thậm chí là rửa tay ngay bằng nước cho con mình. Việc đó lặp lại vô số lần khiến bạn nhỏ không thể tận hưởng việc đi dạo của mình một cách thoải mái. Và đương nhiên, việc khám phá những viên sỏi, chiếc lá rơi dọc đường là điều không được cho phép. Một lần khác, tôi bắt gặp một ông bố đi dạo cùng với đứa con khoảng từ 13 tháng tuổi. Điều khác biệt là dù hai bố con đi trên hè rộng, sau đó vào sân chơi thì bạn nhỏ luôn được gắn với bố mình bởi một “sợi xích”. Bạn nhỏ bị hạn chế di chuyển và tiếp đó là không có “cơ hội” để được ngã và tự đứng lên. Thế giới tươi đẹp này từ bao giờ lại trở nên đáng sợ như vậy? Hãy nhớ rằng, đứa trẻ trong những năm đầu đời là hình ảnh phản chiếu của bạn (cách đi đứng, nói năng, hành động, quan điểm….). Nếu bạn tin rằng, thế giới là một nơi đáng sợ, đứa trẻ của bạn sẽ đồng tình với bạn. Mình rất hiểu rằng rất nhiều bố mẹ lo lắng và sợ rằng những đứa trẻ còn quá non nớt để dấn thân vào những “mạo hiểm” hay chịu đựng “những sự thất vọng”. Nhưng điều ngược lại mới là đúng. Trẻ được bao bọc quá mức có xu hướng phát triển suy nghĩ rằng: “Mình không thể đối mặt được với vấn đề. Mình không thể vượt qua được nỗi sợ, thất vọng này. Mình cần có người khác luôn bên cạnh, vỗ về và an ủi mình”. Và theo đó, có lẽ dễ dàng hơn với trẻ khi để người khác nhận trách nhiệm thay mình. Trẻ được bao bọc hoặc hỗ trợ quá mức khó có thể phát triển được sự tự tin – kỹ năng cần thiết giúp chúng đối mặt với những khó khăn sau này.


3. DÀNH TẶNG CHO TRẺ NHỮNG “CƠN MƯA” NHỮNG LỜI CA TỤNG, KHEN NGỢI KHI TRẺ LÀM ĐƯỢC BẤT KỲ MỘT VIỆC GÌ.

“Con thông minh quá”, “con giỏi quá”, “con là số một”…vv….là những câu mà trẻ nghe hàng ngày từ ông bà, cha mẹ hay thậm chí là từ bác hàng xóm. Những lời khen như vậy thật ra không phải là cách động viên trẻ một cách tích cực. Đầu tiên, việc nói xen vào khi trẻ đang làm việc sẽ phá vỡ sự tập trung vốn mong manh của trẻ. Trẻ cần lặp lại hoạt động để đặt được kỹ năng. Tuy nhiên, khi nghe được những lời khen ngợi thì có xu hướng dừng hoạt động vì trẻ nghĩ rằng: “mình đã đủ tốt rồi”. Và trong dài hạn, một suy nghĩ tiêu cực có thể hình thành: “mình chỉ cảm thấy tốt nếu ai đó bảo mình như vậy”. Về chủ đề này, Carol Dweck, sau rất nhiệu cuộc thí nghiệm với hàng trăm trẻ đã cho ra kết quả quan sát rằng: “khen ngợi trẻ làm giảm động lực của trẻ, theo đó là giảm sự tập trung và thành công trong các hoạt động”. Như vậy, việc ngợi khen trẻ quá mức thực sự có hại trong dài hạn mặc dù việc trẻ vui sướng, hân hoan do những lời khen mang lại ngay tức thì là có thật.


4. SO SÁNH TRẺ VỚI NHỮNG ĐỨA TRẺ KHÁC:

Mình đã gặp rất nhiều người lớn còn mang trong mình những “vết sẹo” hằn sâu trong tâm trí bởi từ bé đã bị so sánh với “con nhà người ta” hoặc thậm chí là so sánh với anh chị em trong gia đình. Điều này xuất phát từ việc mỗi bố mẹ đều có những kỳ vọng về “đứa trẻ trong mơ” của mình. Và họ tin rằng, bằng việc so sánh, đứa trẻ sẽ cố gắng để thay đổi để có được những phẩm chất mà cha mẹ mình mong muốn. Tuy nhiên, việc này không những hiệu quả mà còn phản tác dụng. Đứa trẻ luôn cảm thấy bị ấm ức vì “mình không bao giờ đủ tốt” trong mắt bố mẹ. Và nếu như vậy, trẻ có xu hướng từ bỏ cố gắng, thậm chí có những hành động đối ngược với những mong muốn của bố mẹ. Tệ hơn, trẻ sẽ hoài nghi về tình yêu của bố mẹ dành cho mình.

Vậy để nuôi dưỡng sự tự tin, lòng tự trọng ở trẻ, ngay từ hôm nay bố mẹ hãy từng bước thay đổi những thói quen tưởng chừng như vô hại này. Một số những gợi ý về nghệ thuật khuyến khích trẻ và những thực hành giúp nuôi dưỡng sự tự tin ở trẻ sẽ được chia sẻ ở phần tiếp theo.

Xin cảm ơn!

Việt Trà,

Giáo viên Montessori AMI tại Pháp

Comments


Đăng ký để nhận thẻ lộ trình sinh hoạt hàng ngày
bottom of page