top of page

Sự khác biệt giữa người lớn và trẻ con- hiểu để có cái nhìn đúng đắn nhất về thế giới trẻ thơ



“Trẻ con không phải là người lớn thu nhỏ” là điều mà ngày nay hầu hết mọi người đều đồng ý. Tuy nhiên từ việc đồng ý đến hiểu, rồi áp dụng trong thực tế lại hoàn toàn khác xa nhau. Người lớn vẫn hàng ngày, hàng giờ áp dụng thế giới quan, cách nhìn nhận sự vật, sự việc của mình lên một đứa trẻ thay vì chấp nhận ở mỗi một lứa tuổi, mỗi đứa trẻ lại có nhu cầu, cách nhận biết về thế giới, cũng như hành vi rất riêng.


Đứa trẻ với khả năng hiện tại hạn chế của mình (trải nghiệm thực tế, sự phát triển của thể chất, sự chưa trưởng thành của bộ não…) nhưng có tiềm năng vô hạn cần được hiểu, lắng nghe và tạo điều kiện để phát triển tối đa tiềm năng đó. Và người lớn, với trải nghiệm trong thế giới phong phú với bộ não đã hoàn toàn trưởng thành (từ 24 tuổi) có thể trau dồi kiến thức và chủ động tạo ra một "môi trường chuẩn bị” giảm đi sự khác biệt giữa trẻ con và người lớn để cả hai có thể là bạn đồng hành “dễ chịu” trong cuộc sống hàng ngày.


Dưới đây, mình xin liệt kê một số sự khác biệt lớn giữa người lớn và trẻ em theo quan điểm Montessori giúp bố mẹ đi sâu hơn vào thế giới trẻ thơ để thấu hiểu. Bên cạnh đó, mình sẽ đưa ra gợi ý bố mẹ nên làm để giảm bớt sự khác biệt rất lớn về bản chất giữa hai thế hệ.


1. Trẻ con có nguồn năng lượng dồi dào, có thể hoạt động từ sáng đến chiều không hề biết mệt. “Mệt mỏi” hay “nghỉ ngơi” hiếm khi có trong từ điển của trẻ con. Còn người lớn chỉ mong được xả hơi khi đến cuối ngày.


2. Trong khi người lớn có thể cân bằng giữa mong muốn, sở thích cá nhân với mong muốn của tập thể, trẻ con rất “ích-kỷ” (self-centered) – Sở thích, mong muốn của bản thân trong hiện tại là tất cả những gì trẻ quan tâm. Có những thôi thúc từ bên trong điều khiển hành vi của trẻ (trong Montessori, những thôi thúc này được gọi là “người thầy nội tại” ). Điều này hoàn toàn không có gì là sai, đó là một giai đoạn của sự phát triển của trẻ.

Vì vậy, với trẻ dưới 3 tuổi, đừng bắt trẻ phải chia sẻ, chỉ đơn giản với trẻ điều đó “không tự nhiên”. Trẻ phải gom góp tất cả những thành phần có trong môi trường để xây dựng bản thân trước khi nghĩ đến ai khác. Tuy nhiên, trẻ sẽ hấp thụ tất cả những gì tồn tại trong môi trường. Muốn con chia sẻ, thay vì “ép” con, hãy cho con thấy cách bạn và các thành viên khác trong gia đinh chia sẻ với nhau.

Cũng từ đặc điểm này, mà giáo dục phải bắt đầu từ hiểu được đặc điểm của trẻ, cách trẻ tiếp cận kiến thức. Giáo dục phải được cá nhân hóa, đăc biệt là ở lứa tuổi mầm non. Nếu không có sự hứng thú, trẻ sẽ không có sự tập trung

3. Trí óc trẻ con như như một miếng bọt biển, hấp thụ mọi thứ từ môi trường (từ 0 đến 6 tuổi): ngôn ngữ mới, kỹ năng mới, ý niệm mới, văn hóa ...vv...Trí óc người lớn có khi như tảng đá, đã lấp đầy kiến thức, định kiến, hủ tục và có khi là hận thù. Muốn thay đổi, ta phải bắt đầu từ trẻ thơ. Và đây là lí do vì sao giáo dục nên bắt đầu ngay từ lúc sơ sinh, đặc biệt trong giai đoạn từ 0 – 6 tuổi.

4. Người lớn sợ mắc sai lầm, sợ bị đánh giá. Trẻ con mắc sai lầm sẽ tiếp tục thử lại. Đây chính là rào cản rất lớn của người lớn tới thành công. Và chính là sức mạnh vô biên của trẻ con để học một điều mới. Học ngôn ngữ là một ví dụ vô cùng điển hình.

5. Sự khác biệt vô cùng lớn giữa trẻ con và người lớn là não trước của trẻ (neocortex) trung khu điều khiển cảm xúc, điều chỉnh hành vi… chưa phát triển hết. Còn não trước của người lớn, về lý thuyết đã hoàn thiện ở tuổi 24. Do vậy, người lớn khi “không biết cư xử” hay “kiểm soát cơn giận”, người ta hay gọi là “cư xử như trẻ con”.

6. Trẻ không cố tình làm ai đau, buồn hay nổi giận. Trẻ khóc, gào thét, đánh bạn vì trẻ không biết đến cách khác để thể hiện mong muốn, suy nghĩ của bản thân. Ngôn ngữ của trẻ còn ở giai đoạn đầu , não trước của trẻ (như đã giới thiệu ở điều 5) chưa phát triển để kiềm chế được cảm xúc, hành vi. Người lớn, ngược lại, có thể làm được điều này và vì vậy người lớn cũng nghĩ trẻ con cố tình khiến mình khổ sở. Thật sự là khó cho bố mẹ khi thế giới ngoài kia bao thứ phải lo, thân thể thì mệt nhoài, về đến nhà lại gặp tantrum – cơn tam bành của bạn bé. Phản ứng đầu tiên và tự nhiên của ta rất có thể là trút giận, nổi nóng, mua chuộc bé bằng ipad, kẹo ngọt hay nhượng bộ trước đòi hỏi của bé. Nhưng nếu trút giận, nổi nóng, con sẽ càng khóc khôn nguôi, bố mẹ lại càng mệt thêm. Nếu mua chuộc, nhượng bộ, bạn sẽ tránh được lần này, nhưng thông điệp sai sẽ được đưa ra cho con và tạo thói quen “tôi khóc và gào thét nhất định sẽ có cái tôi muốn”. Theo đó bố mẹ sẽ gặp nhiều hơn các rắc rối khi từ chối trẻ những lần sau. Điều cần làm là hít thở sâu, nghĩ về bài viết này, và chấp nhận rằng bạn chính là Neocortex – não trước của con bạn. Nếu con không học được cách điềm tĩnh xử lý tình huống của bạn - người con gần gũi, tiếp xúc nhiều nhất, một cách điềm đạm, con sẽ học từ đâu?


7. Trẻ con chỉ sống trong hiện tại, tất cả điều mà trẻ quan tâm là ánh nắng mặt trời đang chiếu, cơn gió đang thổi chiếc lá bay, hạt đỗ trẻ đang chuyển, cốc nước trẻ đang rót. Người lớn trong hiện tại có thế cùng một lúc suy nghĩ về cả quá khứ và tương lai: tối nay ăn gì, ngày mai làm gì ...vvv... Nhưng cũng vì trẻ con sống trong hiện tại nên sẽ nằng nặc đòi bạn bằng bật bằng được một bản nhạc mà bạn ý thích ngay lập tức, và sẽ không ngừng yêu cầu cho đến khi được đáp ứng nhu cầu hoặc giải quyết “khủng hoảng” bằng một cách khác. Tuy nhiên, trẻ lại dễ bị xao lãng, đánh lạc hướng. Đây là đặc điểm mà bố mẹ có thể sử dụng để làm dịu cơn giận dữ của trẻ.

8. Người lớn thích thay đổi, sự mới mẻ và linh hoạt hơn với sự thay đổi. Trẻ con muốn mọi thứ phải ở đúng chỗ, sự thay đổi liên tục sẽ khiến trẻ bất an, nổi giận. Do vậy “trật tự” được duy trì (bao gồm một lộ trình hàng ngày, sự sắp xếp đồ đặc trong gia đình, trình tự làm một việc, phản ứng của mọi người trước một yêu cầu, hành vị của trẻ…vv…) sẽ giúp trẻ có cảm giác an toàn. Cảm giác an toàn là điều kiện cần để khơi gợi mong muốn khám phá và học hỏi ở trẻ. Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, xin mời bố mẹ đọc thêm bài viết “Một trong những lí do kiến trẻ nổi cơn bành”.

9. Trẻ rất thích sự lặp lại (liên quan đến điều 8). Trẻ có thế lặp lại cùng một công việc, đọc một quyển sách, chơi một trò chơi…vv… hàng chục lần đến vài chục lần. Và quan trọng là lần nào cũng vui hạnh phúc như lần đầu. Sự lặp lại, ngược lại, khiến người lớn nhàm chán. Khi đã hoàn thành một công việc, người lớn sẽ tìm những công việc mới mẻ hơn, mang tính thử thách hơn. Tuy nhiên, sự lặp đi lặp lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ để hoàn thiện kỹ năng về thể chất cũng như trí não và cần được khuyến khích ở trẻ.

10. Người lớn chú trọng hiệu quả khi làm việc: nhanh nhất, tốt nhất, bỏ ra ít nguồn lực nhất. Ngược lại, trẻ con chú trọng quá trình, tốc độ và kết quả là điều quan tâm cuối cùng.

Một ví dụ rất nhỏ với hành động dùng cái tô vít để xoáy con ống. Việc xoáy được cái vít là đích đến cuối cùng của người lớn, việc điều khiển cái vít với đôi bàn tay nhỏ bé lại quan trọng với trẻ. Trẻ sẽ loay hoay tìm hiểu, xoay sở các ngón tay để khám phá hoạt động. Do vậy, người lớn đừng thấy con trẻ đang loay hoay một chút mà chạy lại giúp ngay. Con phải được tự làm để xây dựng kỹ năng. Xin nhớ rằng Kỹ năng của bố mẹ không phải là kỹ năng của con. KỸ NĂNG CỦA CON LÀ ĐIỀU MÀ CON PHẢI LÀ NGƯỜI ĐƯỢC TRẢI NGHIỆM ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC. Nếu con không thành công ngay, xin đừng gieo vào trong con nỗi thất vọng với sự cáu giận, hay những cái thở dài. Thay vào đó hãy chỉ cho con cách sử dụng, tạo sự hứng thú với đồ vật, hoạt động. Con muốn luyện tập, ắt sẽ thành công.

“The things that he experiences are just not remembered. They are part of him”. Hãy nhớ rằng trẻ con sử dụng môi trường để không những cải thiện các kỹ năng của mình mà còn là xây dựng bản thân. Những gì chúng trải qua KHÔNG CHỈ ĐƠN GIẢN LÀ ĐƯỢC GHI NHỚ, những trải nghiệm đó là một phần hình thành nên tính cách, con người trẻ.

コメント


Đăng ký để nhận thẻ lộ trình sinh hoạt hàng ngày
bottom of page