top of page

Thay đổi trật tự - Một trong những lý do "ngớ ngẩn" khiến trẻ tuổi 0-3 nổi cơn "tam bành"




H là con của giám đốc trường học nơi mình làm việc tại Pháp, đồng thời cũng là học sinh của mình. Một buổi sáng đi học, khi bước ra khỏi căn hộ nằm trong khu chung cư, cậu dừng lại một lúc trước cửa, nhìn xung quanh rồi lập tức gào khóc, thậm chí lăn lộn trên sàn và không chịu đi học. Người mẹ không hiểu tại sao vì hai mẹ con buổi sáng đã rất vui vẻ bên nhau. Sau đó, mẹ cậu ôm cậu vào lòng an hủi rồi gặng hỏi thì cậu chỉ vào phía trước cửa nhà. Người mẹ lúc này mới nhận ra là chiếc thảm đã không còn ở đó nữa. Thì ra H tinh ý phát hiện ra tấm thảm lót chân mọi ngày trước cửa đã biến mất và phản ứng hết sức mạnh với sự thay đổi này. Mẹ cậu đã phải giải thích cặn kẽ vì bác bảo vệ khu nhà đã mang đi giặt và sẽ để lại đó khi giặt xong thì cậu mới chịu nguôi ngoai.


Trẻ phản ứng mạnh như vậy trong ví dụ trên tưởng là vô lý nhưng lại có thể hiểu và giải thích được. Các bạn 2-3 tuổi đang ở trong thời kỳ gọi là thời kỳ "nhạy cảm về trật tự" ( vị trí của đồ đạc, trình tự và cách thức thực hiện một công việc, lộ trình hàng ngày, người chăm sóc trẻ...vv...). Trật tự giúp trẻ có cảm giác yên tâm, an toàn vì mọi việc đều nằm trong dự đoán của trẻ về điều đang và sắp xảy ra với mình. Trẻ không thích những "bất ngờ" dù là nhỏ nhất (điều này thể hiện rõ khi trẻ chơi trốn tìm, trẻ sẽ luôn trốn cùng một chỗ, và trẻ mong muốn người lớn chỉ trốn ở nơi mà trẻ có thể tìm thấy).


Nhạy cảm về trật tự có mức độ rất khác nhau. Một số bạn nhỏ có độ nhạy cảm hơn các bạn khác và phản ứng tiêu cực hơn với các thay đổi nhỏ trong môi trường. Trong trường hợp của H, biết con mình đang trong thời kỳ nhạy cảm về trật tự và mức độ nhạy cảm cao hơn so với các bạn đồng trang lứa, nên mẹ bạn luôn luôn cố gắng sắp xếp mọi thứ đúng trật tự, sinh hoạt đều đặn. Nếu có thay đổi về lịch sinh hoạt hay di chuyển đồ đạc trong nhà, mẹ cậu sẽ trò chuyện và báo cho cậu trước.


Điều này đã và đang xảy ra đối với hầu hết các trẻ trong lứa tuổi 0- 3 và có thể là cả 3 - 6. Dù là mức độ nhạy cảm có khác nhau, cách phản ứng của mỗi bạn có khác nhau thì chắc chắn một điều là quá nhiều sự thay đổi sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển lành mạnh của trẻ.


MỘT SỐ LỜI KHUYÊN DÀNH CHO CHA MẸ ĐỂ TƯƠNG TÁC VỚI CÁC BẠN BẺ ĐANG TRONG GIAI ĐOẠN "NHẠY CẢM VỀ TRẬT TỰ" NÀY


1. Thiết lập lịch sinh hoạt điều độ cho con mình: giờ ăn, ngủ, chơi.


Càng chi tiết và nhất quán càng có lợi cho bé. ( Ví dụ, trước khi đi ngủ sẽ cùng con đọc sách , cùng nhau nghe một bản nhạc và sau đó là đi ngủ). Trong hơn 4 năm làm giáo dục, mình đã gặp vô số thắc mắc của phụ huynh như : " Sao ở trường con ăn tốt mà về nhà con không thèm ăn vậy cô giáo? Đề nghị trường mở thêm thứ 7 chứ ở nhà con em nó không ăn cơm đâu ạ!" hay " Ở nhà không bao giờ con em ngủ trưa, xong đến chiều là quấy khóc". Nếu đây cũng là câu hỏi chung của bố mẹ thì ngoài một số nguyên nhân khác có thể là mình cũng nên xem lại lịch sinh hoạt ở nhà của bé nhé.


2. Báo trước cho con về sự thay đổi có thể có để giúp con chuẩn bị tâm lý về điều sắp xảy đến với mình.

Điều này khiến con cảm thấy an tâm và tin tưởng hơn. Ví dụ đơn giản như thay vì mọi lần đón con ở trường về, mẹ sẽ đưa con về nhà, rồi tắm rửa ăn cơm thì hôm nay sẽ là bố hay cô giúp việc đến đón vì mẹ bận đi sinh nhật bạn ( thỉnh thoảng mẹ cũng cần phải có khoảng trời riêng đúng không các mẹ?). Mình đã không ít lần chứng kiến con giãy khóc lăn lộn trên sàn không chịu về chỉ vì người đến đón là bác giúp việc chứ không phải bố mẹ (vì sáng mẹ đã hứa đến trường đón con). Vậy đó các mẹ ạ, chỉ một chi tiết nhỏ cũng làm ảnh hưởng đến tâm trạng của các bạn nhỏ vô cùng nhạy cảm của chúng ta.


3. Chuẩn bị tâm lý cho bố mẹ.

Trong cuộc sống có rất nhiều sự thay đổi bất ngờ. Từ việc hiểu con mình về hành vi và tâm lý lứa tuổi, bố mẹ hãy hình dung ra phản ứng của con khi có sự thay đổi và chuẩn bị cho mình cách xử lý trong các tình huống đó để hạn chế những pha dở khóc dở cười. Ví dụ, mỗi khi đi du lịch, lịch sinh hoạt của con sẽ thay đổi hoàn toàn. Thay vì con được nằm ngủ trên chiếc giường quen thuộc của mình thì con sẽ nằm ngủ trên chiếc giường khách sạn hoàn toàn xa lạ. Điều ta có thể làm giúp trẻ dễ ngủ hơn là bê nguyên trình tự cho giấc ngủ: mang theo con gấu Teddy con vẫn ôm, đọc một quyển sách như mọi ngày và một bản nhạc quen thuộc sẽ giúp con đi vào giấc ngủ.

Đây chỉ là một ví dụ rất nhỏ về cách giúp trẻ vốn rất "bảo thủ" làm quen với sự thay đổi. Nếu trẻ ở trong một môi trường "ổn định" nơi mà trẻ có thể cảm thấy an tâm và tin tưởng thì trẻ ở các giai đoạn sau sẽ trở nên linh hoạt và thích nghi tốt hơn rất nhiều.

Như vậy là có muôn vàn các lý do khoa học giải thích vì sao trẻ đột nhiên nổi giận hay gào khóc. Bố mẹ hãy đừng vội gắn nhãn cho con là " con hư" , " bướng bỉnh"...vv..nhé. Đơn giản chỉ vì con cần được thấu hiểu, lắng nghe và tương tác theo cách mà con cần.


Việt Trà,

Giáo viên Montessori quốc tế AMI tại Pháp

Comments


Đăng ký để nhận thẻ lộ trình sinh hoạt hàng ngày
bottom of page