1. Sách phản ánh một cách chân thật thế giới xung quanh ta
Đầu tiên, đối với trẻ 0-6 tuổi, bản thân thế giới của chúng ta đã là một sự nhiệm màu, chứa đầy những bí ẩn cần khám phá. Trẻ luôn tò mò về cách mà người lớn chúng ta hoạt động hàng ngày hay thế giới vận hành ra sao. Những hình ảnh, âm thanh của cuộc sống đã quá đủ cho trí tò mò của trẻ. Bên cạnh đó, trẻ ở tuổi này chưa có ý niệm về sự khác biệt giữa thực tế và tưởng tưởng, do vậy những gì trẻ được nhìn thấy, được giới thiệu là đều là rất thật.
Với những quyển sách mang nội dung tưởng tượng, bố mẹ hãy chờ đến khi trẻ 5, 6 tuổi để giới thiệu. Lúc này hình ảnh chân thực về thế giới trong trẻ đã được xây dựng, đồng thời trẻ hiểu được những khái niệm trìu tượng và phân biệt được giữa thực tế và tưởng tượng.
Tuy nhiên, thế còn những quyển sách mà nhân vật chính là các con vật được nhân cách hóa giống người thì sao? Có một sự thật rằng là đến 80% những quyển sách do thiếu nhi là thông qua các bạn gấu, chó, mèo, sư tử.... Đơn giản vì các tác giả thấy rằng trẻ có một niềm yêu thích lớn với động vật. Và mình cũng đồng ý rằng có rất nhiều những quyển sách động vật nói có nội dung rất hay và ý nghĩa dành cho các bạn nhỏ. Trong tình huống này, ta hãy tâm sự với trẻ: "con chó nhà bác A có nói chuyện không nhỉ ?" để trẻ so sánh với đời thật. Và chúng ta khẳng định lại một lần nữa “à, chó chỉ sủa thôi con nhé”. “Chỉ có ở trong sách, Chó mới nói thôi”. Và tương tự với những con vật khác, khi có cơ hội đi vườn thú, ta cũng giúp con có trải nghiệm thực tế để con phân biệt được rõ hơn.
Tuy nhiên, mình không ủng hộ minh họa kiểu quả cam có mắt, quả táo biết nói, biết đi. BỐ MẸ CÓ THẤY NÓ RẤT VÔ LÝ KHÔNG Ạ? Rất thường xuyên, trẻ tiếp xúc với sách minh họa kiểu này sẽ không nhận ra quả táo, quả cam trong thực tế.
Vì không thể tránh hết được nên thông điệp mình đưa ra ở đây là hãy chú ý đến tính chân thật của quyển sách và cho trẻ tiếp xúc sách có nhiều nội dung thực tế nhiều nhất có thể.
2. Sách nên phản ánh đời sống xung quanh trẻ: những sự vật, sự việc trẻ gặp hàng ngày.
Có những sự kiện, tình huống trong sách giúp chuẩn bị trẻ về mặt tâm lý cho các tình huống thật ngoài đời như việc tập đi toilet đúng chỗ, ngày đầu tiên con đến trường, khi đi bác sỹ, khi con gặp bạn mới, khi mẹ mang bầu bé thứ hai...vv... Ta biết rằng là trẻ ở tuổi nay đang trong thời kỳ nhạy cảm về trật tự, đọc sách như là một cách báo trước về những gì có thể xảy ra với trẻ. Và khi tình huống thật xảy ra, ta có thể nhắc trẻ nhớ về nội dung trong cuốn sách. Trẻ sẽ dễ dàng chấp nhận nếu những gợi ý của mẹ đưa ra là từ một điều khách quan: "à, con có nhớ là bạn A, bạn B trong sách làm thế này, thế kia không?". Thông qua sách, các mẹ sẽ có một sự trợ giúp đắc lực khi đàm phán với các con trong đời sống hàng ngày.
3. Vì trẻ có trí tuệ thẩm thấu, do vậy chúng ta nên chọn nội dung sách mà những nhân vật trong sách cư xử, hành động, xử lý tình huống theo cách mà bạn mong muốn con mình học được.
Những quyển sách có nội dung bạo lực không được khuyến khích ngay cả trong những câu truyện cổ tích hay những bài học răn dạy về đạo đức. Trẻ tuổi này sẽ bắt chước những hành động lời nói của nhân vật phản diện hơn là việc hiểu rằng kẻ ác sẽ phải đền tội. Những điều đúng sai, phải trái, công lý sẽ được đón nhận và hiểu thấu đáo hơn rất nhiều bởi trẻ trong độ tuổi 6-12. Không nên dùng các nhân vật trong sách để dọa trẻ. Đằng sau những câu chuyện, quyển sách thì nỗi sợ của trẻ là có thật và sẽ đi cùng trẻ theo năm tháng: nỗi sợ ma, nỗi sợ chó, sợ ma cà rồng. Thay vào đó, hãy cho trẻ thấy thiên nhiên tươi đẹp, thế giới thật sự đa dạng và sinh động, phong phú. Khi trẻ có niềm yêu thích với môi trường trong những năm đầu đời, trẻ sẽ chủ động khám phá nó và do đó học được thật nhiều kỹ năng.
4. Chọn sách có minh họa đẹp.
Trẻ tuổi này học hầu hết là qua tranh, ảnh trong truyện do vậy nếu sách có minh họa đẹp mắt không những sẽ khiến trẻ hào hứng hơn với việc đọc mà còn giúp trẻ phát triển khiếu thẩm mỹ của mình. Thế nào là đẹp: minh họa phải thực tế, chi tiết, màu sắc và độ tương phản rõ nét. Mình rất thích những quyển sách được vẽ bằng tay bằng sơn màu, màu nước... Nó thể hiện sự dày công của tác giả cũng như người minh hoạ sách. Mình không đề cao những quyển sách có minh họa phong cách hoạt hình và quá giản lược các nét.
Lợi ích của việc đọc sách với trẻ có lẽ là một việc mà chúng ta không cần phải bàn cãi thêm. Đọc sách không chỉ giúp trẻ nhỏ phát triển ngôn ngữ mà còn tạo cho trẻ thói quen tự học – một kỹ năng vô cùng quan trọng, sẽ theo trẻ suốt cuộc đời. Bên cạnh đó, bà Logan trong bài nghiên cứu "When the children are not read to at home" (trường đại học Bang Ohio, Mỹ) đã nhận định rằng : «Trẻ được nghe nhiều từ vựng hơn thì dường như sẽ được chuẩn bị tốt hơn cho việc nhìn thấy những từ vựng đó trong bản sách in khi chúng đi học. Và có nhiều khả năng là trẻ sẽ học đọc nhanh và dễ dàng hơn ».
Vì vậy, ngoài việc chọn lựa sách có nội dung phong phú, minh họa đẹp mắt, phù hợp với lứa tuổi thì việc quan trọng nhất là bố mẹ hãy thiết lập một lịch đọc sách đều đặn cùng con mỗi ngày nhé. Chỉ 15 phút thôi cũng sẽ tạo ra sự khác biệt lớn.
Xin mời các bạn đón chờ bài viết sau về cách chọn những quyển sách có nội dung và hình thức phù hợp theo từng giai đoạn trong độ tuổi từ 0 đến 6 nhé.
Việt Trà,
Giáo viên Montessori tại Pháp
Comments