top of page

VÌ SAO SỰ LẶP LẠI QUAN TRỌNG VÀ CẦN ĐƯỢC KHUYẾN KHÍCH Ở TRẺ NHỎ?



Trẻ cần sự lặp lại để phát triển – một chủ đề vừa cũ lại vừa mới. Phụ huynh chúng ta hầu hết đều hiểu rằng “Practice makes perfect” - thực hành nhiều một kỹ năng là chìa khóa dẫn tới sự hoàn hảo, thành công. Tuy nhiên trong thực tế, không phải bậc phụ huynh nào cũng tạo điều kiện và khuyến khích sự lặp lại ở trẻ. Thay vào đó, chúng ta có xu hướng mong muốn trẻ càng có nhiều hoạt động càng tốt, trẻ càng được tiếp xúc với càng nhiều kiến thức càng tốt. Tuy nhiên, đôi bàn tay không được làm việc đủ lâu với một hoạt động, trí óc không có cơ hội để nắm vững quy trình, những kiến thức không được xử lý SẼ KHÔNG GIÚP TRẺ HỌC ĐƯỢC MỘT KỸ NĂNG NHẤT ĐỊNH. Vì vậy mình quyết định thảo luận sâu hơn về chủ đề này.


Mình đã từng được chứng kiến:

- Cô con gái 18 tháng tuổi bắt bố mẹ đọc một quyển sách liên tiếp 4, 5 lần

- Cô con gái 18 tháng cứ thấy cầu thang là sẽ dừng lại và leo lên, leo xuống liên tục trong vòng 30- 45 phút không biết chán

- Cô con gái 24 tháng tuổi liên tiếp nói lại một từ mới vừa được giới thiệu 10- 20 lần

- Cô con gái từ 3 đến 3.5 tuổi chỉ yêu cầu bố mẹ bật một bài nhạc duy nhất trên đường đi học về. Mỗi bài 1, 2 tháng liên tiếp và liên tục chỉ hát bài đó từ sáng đến tối

Mình đã từng được chứng kiến:

- Bạn Pink 2.5 tuổi ở trường mình thực tập luôn chọn thực hiện hoạt động vẽ tranh đầu tiên khi đến lớp (mình thực tập 2 tháng và theo lời kể của giáo viên đứng lớp, sự lặp lại này đã diễn ra 6 tháng rồi)

- Bạn Jasper 3 tuổi cứ chiều ngủ dậy là thực hiện hoạt động xâu hạt, từ hạt to đến hạt nhỏ

- Bạn Ethan trong lớp của mình thì cứ buổi sáng đến là ngồi cắt chuối và quan sát lớp học

- Bạn Gabriella trong 2 tháng đầu đến trường chỉ hoạt động với các khung xếp hình

- Bạn Ivan ngồi loay hoay với bộ xếp hình các bộ phận con hươu và lặp lại tất cả 9 lần liên tiếp hoạt động đó.

Có lẽ bố mẹ cũng thấy đâu đó hình ảnh của bạn bé nhà mình đúng không? Những điều này thực ra mình đã được giới thiệu trong khóa training, đọc rất nhiều trong sách của Maria Montessori nhưng khi thực sự chứng kiến và suy ngẫm thì càng hiểu được sự lặp lại không chỉ là một điều kiện tốt để trẻ phát triển mà nó còn là một nhu cầu tất yếu của trẻ. Phân tích sâu hơn để ta thấy vì sao thay vì nhồi nhét trẻ liên tục với những kiến thức mới ta nên khuyến khích trẻ lặp lại.


1. Sự lặp lại giúp làm mạnh các kết nối thần kinh đã hình thành nhờ tăng tốc độ myelin hóa xung quanh các dây thần kinh và các kết nối thần kinh. Việc này dẫn đến việc xử lý các tín hiệu nhận được từ các giác quan nhanh hơn, hiệu quả hơn và do đó là công việc thực hiện được tốt hơn. Kỹ năng mới được hình thành.

2. Sự lặp lại giúp trẻ đạt được sự tập trung trong công việc. Vì là một trong những triết lí giáo dục quan trọng trong Montessori, do vậy mọi sự sắp xếp về mặt giáo cụ, tâm thế của người lớn trong lớp học Montessori đều được chuẩn bị để cho sự lặp lại diễn ra ở trẻ nhỏ.

+ Môi trường giản dị không có nhiều kích thích.

+ Trẻ được giới thiệu một hoạt động cụ thể phù hợp lứa tuổi. Giáo cụ trong Montessori không được làm ra để trẻ có thể hoàn thành trong một buổi chiều. Trẻ cần thời gian và sự lặp lại để nắm vững. Một giáo cụ quá dễ không giữ chân trẻ được lâu, giáo cụ quá khó khiến trẻ nổi cáu và kết quả cũng là lời chào tạm biệt.

+ Trẻ được lựa chọn hoạt động mà mình hứng thú, có hứng thú thì mới lặp lại nhiều lần.

+ Giáo cụ khuyến khích lặp đi lặp lại bởi nhờ việc được thiết kế “tự sửa sai” giúp trẻ tự mình nhận ra lỗi. Như vậy giáo viên sẽ ít phải can thiệp, làm ngắt sự tập trung của trẻ.

+ Sau khi trình bày xong một hoạt động, cô sẽ nhắn nhủ trẻ: “Bây giờ con đã biết lau bàn rồi, bất kỳ khi nào con thấy bàn bẩn hay có nước trên bàn, con hãy dùng dẻ vào lau bàn nhé.” hay “Bây giờ con đã biết khâu rồi, con có thể làm hoạt động này bất kỳ khi nào con thích và bao lâu tùy theo ý con”

+ Khi trẻ làm xong hoạt động và có ý định rời đi, cô sẽ tinh ý đến bên và thủ thỉ “Hay là làm thêm một lần nữa nhỉ? Một lần nữa nhé. Cô sẽ ngồi cạnh con quan sát nhé”

Sự tập trung, khả năng tập trung của một đứa trẻ trong một “môi trường chuẩn bị” có thể thực sự khiến người lớn ngạc nhiên. Maria đã từng nói: “sự tập trung của trẻ có thể đạt đến độ như thầy tu đang thiền” và mình đã may mắn chứng kiến điều đó trong lớp học của mình. Vào một ngày hè tháng 5, Magzan – một cậu bé người Nga vô cùng nhút nhát và rụt rè đầu năm học đang trong hoạt động thực hành cuộc sống với hoạt động “Rửa bát”. Toàn bộ bát bẩn trên khay của cả lớp sau các hoạt động với đồ ăn như cắt táo, cắt chuối, làm bánh được chất lên khay tại khu rửa. Điều rất lạ là sau 20 phút khi toàn bộ số bát đĩa đã được rửa xong và úp ngay ngắn trên giá, cậu bé lại di chuyển toàn bộ bát sạch ngược lại lên khay bát bẩn và tiến hành lại từ đầu. Điều này tuyệt nhiên không thể thấy trong thế giới người lớn. Khi cậu hoạt động được 30 phút thì tiếng chuông báo cháy kêu lên, toàn bộ giáo viên và học sinh nhanh chóng rời ra khỏi lớp (một bài diễn tập ở trường hàng năm). Chỉ có cậu vẫn bình thản như không hề nghe thấy tiếng chuông, vẫn say sưa rửa toàn bộ bát đũa lần 3 mặc lời nhắc nhở của giáo viên. Và cứ thế, rửa bát bằng nước rửa bát, tráng với nước sạch, lau khô rồi úp lên giá. Nhịp nhàng, cận trọng, tập trung trong vòng 1h đồng hồ.

3. Sự lặp lại giúp trẻ rèn luyện sự quyết tâm, kiên trì để làm một việc gì - một phẩm chất cần thiết và đáng trân trọng, giúp trẻ thành công trong cuộc sống.


4. Sự lặp lại ươm mầm cho sự sáng tạo. Khi ta làm một việc gì đủ lâu, ta sẽ nghĩ ra một cách làm khác thú vị hơn. Trẻ trong lớp học Montessori cũng vậy. Khi vẽ tranh đủ lâu, trẻ sẽ tự phối ra cả bảng màu từ 3 màu cơ bản. Khi đã làm việc đủ nhiều các hoạt động nền với tháp hồng, thang nâu, trẻ sẽ tìm cách kết hợp cả hai giáo cụ này để xây dựng nên một tổ hợp đầy tính sáng tạo.


5. Sự lặp lại không chỉ giúp trẻ đạt được kỹ năng nào đó sau một thời gian nỗ lực, cố gắng mà còn mang đến cho trẻ những cảm giác tích cực về bản thân: “Mình đã làm được rồi. Là chính mình, mình tự làm mà không cần có sự giúp đỡ của ai khác”. Sự tự tin, niềm tự hào dần dần được xây dựng sẽ ngày càng khuyến khích trẻ tiếp tục hoạt động và khám phá sức mạnh của bản thân. Trẻ bị xao lãng, nhảy hết từ hoạt động này sang hoạt động khác ít khi trải qua cảm giác này.

Vậy khi hiểu được tầm quan trọng, chúng ta nên làm gì để khuyến khích sự lặp lại ở trẻ?

1. Hãy tạo điều kiện và chuẩn bị môi trường cho sự lặp lại. Đầu tiên là giảm những xao nhãng trong môi trường gia đình như việc cho trẻ tiếp xúc quá nhiều với ipad, TV hay việc có quá nhiều đồ chơi lẫn lộn trong giỏ mà có những món trẻ chỉ chạm tay vào một vài lần trước khi chán. Hãy tái cấu trúc lại căn phòng của con bằng cách chọn lọc những đồ chơi có mục đích, đặt chúng ngay ngắn trên giá kệ để trẻ có thể nhìn thấy và tự lấy để hoạt động. Các đồ chơi khó hơn, bạn hãy cất vào kho và lấy ra khi quan sát con đã sẵn sàng. Một môi trường ngăn nắp, quy củ, ít sao nhãng sẽ là môi trường lí tưởng cho sự lặp lại.

2. Khi con làm xong một hoạt động, luôn khuyến khích con làm thêm một lần nữa, sau đó lại thêm một lần nữa. Những lần đầu, con thành công có thể là do bạn hỗ trợ con ở một vài bước để giúp con không nản chí. Tuy nhiên, điều này nghĩa là con chưa hoàn toàn nắm vững, chưa làm chủ được hoạt động. Khuyến khích con lặp lại một lần nữa, lùi ra sau và quan sát tạo điều kiện cho con rèn luyện để có thể tự mình thành công. Nếu hôm nay con từ chối làm, hãy mời con làm lại ngày mai.

3. Người lớn hãy sẵn sàng cho sự lặp lại. Có nghĩa là bạn hãy đồng ý đọc đi đọc lại cho con một cuốn truyện nhiều lần nếu con vẫn muốn tiếp tục (trong thời gian cho phép và trong giới hạn chịu đựng của cha mẹ). Người lớn hãy sẵn sàng giải đáp ngàn vạn các câu hỏi tại sao của trẻ dù câu nào cũng na ná giống nhau. Khác với trẻ nhỏ thích sự lặp lại, người lớn luôn thích những điều mới mẻ. Một tip nhỏ nhỏ để bạn tiến lên là dù đã “ngán” vô cùng là hãy tự nhủ việc lặp lại quan trọng với con thế nào. Tiếp đó, hãy sáng tạo thêm các chi tiết nhỏ nhỏ nhưng mới mẻ để giúp bạn có hứng thú trong việc lặp lại này.


4. Tăng tần suất lặp lại của cùng một đơn vị kiến thức hay kỹ năng. Tận dụng mọi cơ hội để cho trẻ thực hành vào bất kỳ thời gian nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào có thể áp dụng. Ví dụ, để trẻ rèn luyện vận động tinh, cho trẻ cơ hội thực hành đóng mở các loại nắp hộp. Khuyến khích trẻ tự mở hộp sữa chua cho bữa ăn nhẹ hay đóng mở nắp tuýp kem mỗi lần tiến hành đánh răng.


5. Tiếp cận kiến thức bằng nhiều phương thức khác nhau. Ví dụ cùng là một loại hoạt động ghép cặp, ta có thể sử dụng nhiều tài liệu hỗ trợ: ghép cặp màu, ghép cặp các hình, ghép cặp các loại động vật, ghép cặp tranh giống nhau của các danh họa nổi tiếng, vv…Hay khi đọc một cuốn sách, ta có thể nói với trẻ về cuốn sách vào các giờ khác nhau, chơi các trò chơi liên quan như đóng vai, tô màu, hóa trang thành các nhân vật,vv…Như vậy các từ trong sách sẽ được lặp đi lặp lại và trẻ sẽ thấm thấu một cách nhanh chóng và dễ dàng. Đối với việc học ngôn ngữ tiếng Anh, ta có thể áp dụng nguyên lý tương tự.

6. Đừng vội phàn nàn khi nhà trường gửi chương trình học về nhà và tuần này cũng giống như tuần trước hay việc báo cáo các hoạt động con làm cả tuần ngày nào cũng chỉ vẽ tranh. Trong môi trường Montessori, có rất nhiều hoạt động, nhưng con chỉ được giới thiệu một vài hoạt động nhất định phù hợp lứa tuổi và sở thích của con. Khi con nắm vững hoạt động đó rồi, ta mới chuyển sang hoạt động tiếp theo. Xin bố mẹ đừng sốt ruột là mỗi ngày con phải học một kiến thức mới. Kiến thức mới mà con không có cơ hội được trải nghiệm nhiều lần, sẽ không ngấm và do đó cũng sẽ không trở thành kỹ năng. Hãy nhớ rằng con là người quyết định con cần gì, và trong lúc này con đang hướng tới việc rèn luyện kỹ năng nào.

Khi ta hiểu rộng hơn của việc trẻ thích sự lặp lại, ta sẽ hiểu hơn sự cần thiết của việc:

7. Tạo ra một lộ trình sinh hoạt cụ thể. Sự lặp lại của lộ trình giúp trẻ an tâm, sẵn sàng tâm thế cho sự khám phá tiếp theo. Nếu môi trường thay đổi liên tục sẽ khiến trẻ bất an vì đơn giản trẻ không được báo trước việc gì sẽ xảy ra với mình. Hãy đặt mình vào vị trí đứa trẻ, khi bạn đến một môi trường mới, bạn sẽ rụt rè tìm hiểu xem mọi thứ ở đây diễn ra thế nào, bạn làm gì cũng sẽ e rè cho đến khi bạn hiểu rõ về môi trường đó. Bạn chỉ thỏa sức khám phá, sáng tạo khi mọi ngõ ngách, cách làm việc bạn đã nắm trong lòng bàn tay. Điều tương tự xảy ra với trẻ. “When the environment is predictable, a child feels safe and secure, which establishes the optimal environment for learning” – “Trong mội môi trường quen thuộc và có thể dự đoán được, trẻ cảm thấy an toàn và yên tâm. Điều này thiết lập một môi trường thuận lợi cho việc học diễn ra”


8. Hãy thống nhất trong cách cư xử với trẻ. Cùng một tình huống, hãy đưa ra cho trẻ cùng một thông điệp. “Sau 3 quyển sách, con sẽ đi ngủ”. “Con sẽ rửa tay, trước khi ăn cơm”. “Khi con chơi xong với giáo cụ, ta sẽ cất chúng lên giá”. Việc duy trì cùng một thông điệp với sự lặp lại liên tiếp sẽ giúp trẻ hiểu rõ được các giới hạn, nguyên tắc. Tiếp đó nguyên tắc, giới hạn giúp trẻ hợp tác hơn trong sinh hoạt hàng ngày.

Mình xin kết bài bằng một câu nói của Tiến sĩ Maria Montessori: Repetition is the secret of perfection”. Sự lặp lại là nền tảng cơ bản cho việc học, phát triển kỹ năng và đạt được kỹ năng mới của bất kỳ em bé nào trên thế giới này.


--------------------------------------

Việt Trà

Giáo viên Montessori AMI tại Pháp

Chuyên gia tư vấn Montessori trong gia đình

Comments


Đăng ký để nhận thẻ lộ trình sinh hoạt hàng ngày
bottom of page