top of page

Điều gì khiến một hoạt động là hoạt động Montessori?

Khi nhắc đến Montessori, mọi người hay tưởng tượng ra một căn phòng đầy những giáo cụ bằng gỗ “bí ẩn”. Nếu không phải là giáo viên hay đã tìm hiểu sâu một chút về Montessori thì chúng ta hiếm khi biết cách thức là những giáo cụ đó sẽ được sử dụng như thế nào. Tuy nhiên, Montessori quan trọng hơn cả là một triết lý giáo dục, một hệ tư tưởng về cách tương tác và đồng hành cùng trẻ. Vì vậy, trong rất nhiều trường hợp, bạn không nhất thiết phải có giáo cụ “đặc thù” của Montessori thì bạn vẫn có thể tiến hành các hoạt động Montessori trong gia đình.

Vậy khi nào thì một hoạt động được gọi là hoạt động Montessori?



  1. Đầu tiên, hoạt động đó cần có mục đích cụ thể (trực tiếp hay gián tiếp) với trẻ ở từng độ tuổi khác nhau. Ví dụ trẻ làm việc với khung cúc áo có mục đích trực tiếp là để biết tự cởi đồ và mặc đồ, mục đích gián tiếp là giúp trẻ hướng tới sự tự lập. Trẻ làm việc với kim khâu giúp hát triến phối hợp tay mắt, vận động tinh, mục đích gián tiếp dạy trẻ tập 3 ngón viết...vv..

  2. Thứ hai, giáo cụ để thực hiện các hoạt động Montessori được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp có tổ chức trên khay tuân theo một chu trình hoạt động. Mỗi hoạt động đều có một vị trí nhất định trên giá kệ. Ví dụ với hoạt động làm bánh mỳ, tất cả các nguyên liệu cần thiết đã được đặt trên khay từ trái sang phải theo thứ tự hoạt động: bột mỳ, men nở, muối, nước, bát đựng, công cụ khuấy bột, cây cán bột, vải ủ bột, đồng hồ hẹn giờ, mút và dẻ lau bàn. Các nguyên liệu và dụng cụ được chuẩn bị đầy đủ đề trẻ có cái nhìn trực quan nhất, giúp trẻ hoạt động mà không bị gián đoạn do thiếu đồ dùng. Khi hoạt động trực quan và luôn theo một trình tự nhất định, trẻ sẽ nhớ được các nguyên liệu và quy trình nhanh hơn. Điều này đồng thời rất phù hợp với đặc điểm của trẻ đang trong thời kỳ NHẠY CẢM VỀ TRẬT TỰ. Tiếp đó, việc sắp xếp gọn gàng, làm việc có trình tự gián tiếp giúp trẻ rèn luyện tư duy logic và phát triển tư duy toán học.

  3. Thứ ba, hoạt động Montessori khuyến khích sự lặp lại. Bằng việc đơn giản hóa các giáo cụ, mỗi giáo cụ thay vì tích hợp nhiều tính năng thì được thiết kế đơn giản, phục vụ một mục đích nhất định. Điều này giúp trẻ không bị phân tâm mà tập trung rèn luyện một kỹ năng cụ thể nhờ việc lặp đi lặp lại, trước khi chuyển sang các kỹ năng khó hơn. Ví dụ, để dạy trẻ tự lập trong việc mặc quần áo với hệ thống đóng mở khác nhau, trong góc thực hành cuộc sống của Montessori, giáo cụ được phân chia thành các khung dính, khung cúc áo, khung cúc bấm, khung clip….theo tứ tự tăng dần về độ khó. Mỗi khung đều khuyến khích trẻ lặp lại việc đóng mở với việc thiết kế từ 3 đến 5 miếng dính, cúc bấm, clip….giống hệt nhau. Việc trẻ làm việc với giáo cụ tích hợp nhiều chức năng có thể khiến trẻ nản chí bởi nó có thể bao gồm những kỹ năng dễ và khó. Dễ quá thì trẻ sẽ nhanh chán, khó quá trẻ sẽ bỏ đi.

  4. Thứ tư, một điều rất quan trọng trong Montessori là cách thức hướng dẫn của người lớn đối với trẻ trong các hoạt động. Người lớn chúng ta khi làm thường nhấn mạnh vào kết quả nên có xu hướng làm mọi thứ nhanh, gọn nhất có thể. Tuy nhiên, nó lại không phù hợp với tốc độ tiếp thu và các kỹ năng của trẻ. Vì vậy, các hoạt động Montessori được chia thành các bước nhỏ để trẻ dễ theo dõi và làm theo. Điều này được gọi là “phân tích thực hành” trong Montessori. Dựa vào đặc điểm của trẻ, kỹ năng của trẻ từng độ tuổi mà giáo cụ và các bước hoạt động được điều chỉnh để phù hợp. Cử chỉ của người lớn cũng được điều chỉnh cho phù hợp. Ví dụ, khi làm việc với trẻ 3 -6 tuổi, giáo viên khi trình bày giáo cụ sẽ trình bày cách hoat động từ đầu đến cuối. Sau đó trẻ quan sát và tự làm hoat động. Đối với trẻ 0 – 3 tuổi , cô giáo khi trình bày giáo cụ sẽ làm song song với trẻ. Cô làm một động tác, mời trẻ làm lai động tác đó. Rồi cứ thế, cô đồng hành cùng trẻ trong những lần đầu tiên giới thiệu giáo cụ. Cô và trò làm việc trong sự phối hợp nhịp nhàng.

Mình xin lấy một ví dụ cụ thể để các bạn có thể tưởng tượng được rõ hơn. Ví dụ với hoạt động đánh răng cho trẻ 18 tháng – 2 tuổi, ta sẽ hướng dẫn trẻ như sau:


Mẹ cầm kem đánh răng, vặn nắp hộp kem, rồi đóng lại. Mời trẻ mở nắp và đóng nắp

Mẹ cầm bàn chải đánh răng bên tay trái, bóp kem đánh răng lên bàn chải nắn nót, chú ý là vừa phải.

Mời con làm tương tự với kem đánh răng và bàn chải của con

Mẹ đóng nắp kem, mời con làm tương tự

Mẹ chà răng từ phải sang trái. Con sẽ nhìn và làm tương tự.

Sau đó mẹ chải từ trên xuống dưới…

Mẹ xúc miệng, dừng lại chờ con làm tương tự.


Mẹ sẽ hỗ trợ con những khâu mà con chưa làm được để con không cáu và từ bỏ ngay. Ví dụ con có thể mở nắp kem đánh răng ra nhưng chưa thể đóng vào. Mẹ đóng vào hờ hờ và mời con đóng tiếp (vặn mở hộp kem đánh răng là một kỹ năng vận động tinh không hề đơn giản với trẻ 18 tháng – 2 tuổi, thậm trí là với trẻ lớn hơn . Hãy khuyến khích trẻ mở các nắp chai lọ bất kỳ khi nào có thể ví dụ như là chai sữa, chai nước cam….vv…)


Như vậy ta thấy rằng, hoạt động đánh răng bao gồm rất nhiều các kỹ năng và do vậy nên được chia thành các bước nhỏ. Trẻ những lần đầu có thể sẽ không theo được tất cả các bước nhưng cùng với sự lặp lại, trẻ sẽ làm chủ được toàn bộ quy trình và hoàn toàn có thể độc lập trong việc đánh răng.


Hi vọng bài viết này giúp mọi người hiểu thêm về Montessori. Và mình chắc chắn một điều là khi hiểu bản chất, mục đích và cách tiến hành của hoạt động Montessori, ta có thể biến mọi thứ trong nhà thành giáo cụ giúp trẻ phát triển những kỹ năng khác nhau.


Việt Trà,

Giáo viên Montessori tại Pháp


Comments


Đăng ký để nhận thẻ lộ trình sinh hoạt hàng ngày
bottom of page